Theo đó, Quyết định này quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cụ thể như:
Về tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc quy định đối với các công trình, nhà ở hiện hữu thì định kỳ tổ chức cắt tỉa cây xanh xung quanh nhà ở, công trình; thực hiện gia cố phòng, chống tốc mái, chống sập, chống đổ ngã đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Đối với công trình, nhà ở xây mới yêu cầu vị trí xây dựng công trình, nhà ở thuộc khu vực rủi ro thấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn hoặc có ít nhất 01 gian kiên cố chịu được bão cấp 9; đảm bảo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Về gia cố công trình, nhà ở theo cấp bão, áp thấp nhiệt đới quy định đối với nhà ở không an toàn phải gia cố ngay theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do gió, bão cho nhà và công trình của Bộ Xây dựng khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp; đối với nhà ở an toàn phải gia cố khi có dự báo bão cấp 9 ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với công trình bồn chứa nước trên cao, dàn nóng máy điều hòa nhiệt độ lắp đặt trên mái và tường ngoài công trình, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời trên mái công trình, nhà ở và các công trình trên cao khác phải được gia cường đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đối với công trình, nhà ở đang thi công phải có phương án đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và công trình lân cận; thực hiện neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháp, máy nâng chuyển, thiết bị thi công trên cao khác (nếu có) đảm bảo an toàn.
Tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống sét quy định phải đảm bảo lắp đặt bổ sung hệ thống chống sét đối với công trình, nhà ở hiện hữu chưa có hệ thống chống sét mà theo quy định phải có hệ thống chống sét; đối với công trình, nhà ở theo quy định không bắt buộc phải có hệ thộng chống sét, Ủy ban nhân dân cấp xã vận động, khuyến khích người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra sét, khu vực trống trải hoặc có kết cấu cao hơn so với khu vực cần lắp đặt hệ thống chống sét, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, tự ngắt chống sự cố chênh lệch điện áp gây chập, cháy các thiết bị điện; Đối với công trình, nhà ở khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất, công năng sử dụng của công trình, hạng mục công trình phải bảo đảm hệ thống chống sét theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy.
Về tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống nước dâng, ngập lụt quy định đối với các công trình, nhà ở hiện hữu, tại các vị trí nước có thể tràn vào phải được gia cố bằng bao cát, ván gỗ và các vật liệu khác để ngăn nước tràn vào hoặc thực hiện các biện pháp khác đảm bảo ngăn nước, chống ngập (xây tường chắn gạch, nâng nền, đặt bơm hút nước,…); Đối với các công trình, nhà ở xây mới ngoài đáp ứng các quy định về xây dựng, cần đảm bảo các tiêu chí như tuân thủ theo quy định, quy hoạch cao độ nền của cơ quan có thẩm quyền (nếu có). Đối với công trình, nhà ở nằm ngoài phạm vi bảo vệ của đê bao hoặc ven sông, rạch, khu vực không có công trình đê điều, cao độ nền lấy bằng mực nước ngập lụt cao nhất, cộng với một khoảng an toàn là +0,5m.
Tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt lở, sụt lún đất yêu cầu đối với công trình, nhà ở hiện hữu phải đảm bảo gia cố phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; các biện pháp gia cố phải đảm bảo không làm tăng gia tải, mất ổn định công trình, nhà ở; di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối với các công trình, nhà ở đã xuất hiện các dấu hiệu sạt lở, sụt lún đất.
Đặc biệt đối với công trình, nhà ở xây mới phải đảm bảo không xây dựng ở các khu vực ven sông, khu vực ven cù lao có nguy cơ cao bị xói, sạt lở, sụt lún đất. Đối với khu vực nền đất yếu phải gia cố móng phù hợp theo tiêu chuẩn hiện hành…